Quan hệ ngoại giao Hàn Quốc

CHDCND Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-unTổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang bắt tay nhau.

Tái thống nhất với CHDCND Triều Tiên là một chủ đề chính trị đang được bàn luận rất sôi nổi ở Hàn Quốc hiện nay, thậm chí, người ta còn đã đề cập đến khả năng áp dụng thể chế chính trị "một quốc gia, hai chế độ" để tái thống nhất bán đảo, nhưng hiện vẫn chưa có hiệp định hoà bình nào được ký kết, khiến cho đề xuất trên hay các ý kiến khác mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng. Luật an ninh quốc gia Hàn Quốc hiện vẫn không cho phép người dân tiếp nhận bất cứ thông tin nào từ phía Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, những ai tỏ thái độ ủng hộ, tuyên truyền hoặc phát biểu, diễn thuyết ca ngợi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có thể bị kết án lên tới 10 năm tù giam[23][24][25]. Tổng thống Roh Moo-hyun đã từng nghĩ tới việc dỡ bỏ luật này, nhưng hiện tại nó vẫn chưa được thực thi.

Cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều tuyên bố chủ quyền của mình đối với toàn bộ bán đảo và các hòn đảo xa bờ, cả hai cũng đồng thời coi chính quyền của họ là chính quyền hợp pháp duy nhất trên bán đảo Triều Tiên. Những nỗ lực hòa giải giữa hai miền vẫn tiếp tục tiếp diễn kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Tuy nhiên tiến trình hòa giải này hứa hẹn vẫn sẽ còn phức tạp sau các vụ thử tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên thời gian gần đây, khiến cho mối quan hệ giữa hai miền trở nên căng thẳng. Năm 2017, tân Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền, hứa hẹn sẽ đem lại những thay đổi lớn nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai nhà nước. Trong một cuộc khảo sát vào năm 2014, số người Hàn Quốc được hỏi có cái nhìn tích cực về CHDCND Triều Tiên chỉ chiếm 3%, tuy nhiên theo một cuộc khảo sát khác vào năm 2017 của chính phủ, có tới 56% người Hàn Quốc ủng hộ việc thống nhất với miền Bắc.[66][67]

Vào năm 2018, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã tổ chức 3 hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4, tháng 5, và tháng 9.

Nhật Bản

Mặc dù là 2 nước láng giềng và đều là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Bắc Á, người dân, đặc biệt là các thế hệ trung và cao tuổi Hàn Quốc đa phần đều có cái nhìn rất tiêu cực đối với Nhật Bản, nguyên nhân chủ yếu là do họ đã từng phải chịu ách cai trị tàn bạo của Nhật Bản trong vòng 35 năm kể từ khi Nhật chiếm Bán đảo Triều Tiên vào năm 1910. Dù Nhật đã trao trả độc lập cho toàn bộ bán đảo Triều Tiên vào năm 1945 nhưng phải chờ đến tận năm 1965 thì hai nước mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc.[68]

Trong giai đoạn bán đảo Triều Tiên bị Đế quốc Nhật Bản xâm lược và đô hộ (1910-1945), hàng trăm nghìn người Triều Tiên đã cộng tác với thực dân Nhật để đàn áp những đồng bào đấu tranh đòi độc lập. Ngày nay, sử sách Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc gọi những người Triều Tiên cộng tác với quân Nhật là "Ngụy quân". Tại Hàn Quốc thì luật pháp có hẳn 1 quy định về đối tượng này, Trung tâm Sự thật và Công lý Lịch sử (CHTJ) đã lập ra cả 1 danh sách 4.389 người từng cộng tác với Nhật để xét lý lịch với con cháu của họ, đến năm 2019, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng “xóa sạch những dấu tích của việc cộng tác với Nhật Bản là điều nên được thực hiện từ lâu”.[69]

Hai quốc gia hiện cũng đang có những tranh chấp trong việc tuyên bố chủ quyền đối với đảo Liancourt. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ không thể tách rời của họ [70][71][72][73], dẫn đến những tranh cãi gay gắt và hiện nay vẫn chưa tìm được biện pháp giải quyết. Ngoài ra, giữa 2 nước gần đây cũng bắt đầu xảy ra những mâu thuẫn liên quan đến vấn đề thương mại, bắt nguồn từ việc toà án Tối cao Hàn Quốc ra bản án buộc các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như Mitsubishi, Toyota, Sumitomo,... phải bồi thường thiệt hại cho những người Hàn Quốc bị ép buộc lao động khổ sai trong thời kỳ Phát xít Nhật chiếm đóng Triều Tiên, Nhật Bản không đồng ý vì cho rằng vấn đề đó đã được giải quyết từ hiệp ước năm 1965 khi nước này tiến hành bình thường hóa mối quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, đồng thời áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu các nguyên vật liệu dùng trong công nghệ cao sang Hàn Quốc và gạch tên nước này khỏi danh sách các quốc gia được hưởng ưu đãi thương mại từ Chính phủ Nhật Bản[74], Hàn Quốc đáp trả bằng các biện pháp tương tự, trong đó bao gồm việc chấm dứt hiệp định chia sẻ thông tin tình báo chung đã được ký kết với Nhật Bản từ trước đó (hay còn được biết đến với tên gọi Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA))[75], dẫn đến nguy cơ bùng phát một cuộc "Chiến tranh thương mại" mới với tính chất và mức độ rủi ro tương tự như Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, đáng lo ngại hơn, cuộc chiến này sẽ nổ ra giữa 2 nền kinh tế hàng đầu tại châu Á[76][77], gây gián đoạn chuỗi cung ứng cho các sản phẩm công nghệ cao trên toàn cầu[78] đồng thời đẩy giá thành của các sản phẩm công nghệ đó lên cao[79], mặc dù đã có một số cuộc gặp cấp cao được tổ chức, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có một cuộc đàm phán song phương chính thức nào để giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp trên.

Hoa Kỳ

Tổng thống Moon Jae-in cùng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 30 tháng 6 năm 2017.

Mối quan hệ đồng minh chiến lược, chặt chẽ giữa hai nước được bắt đầu từ ngay sau Thế Chiến II, sau khi Nhật đầu hàng và trao trả độc lập cho toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Theo quyết định của Hội nghị Yalta, Hoa Kỳ đã tạm thời tiếp quản miền nam bán đảo Triều Tiên trong vòng ba năm (trong khi đó Liên Xô tiếp quản miền Bắc). Năm 1948, với sự ủng hộ của Mỹ, Lý Thừa Vãn đã thành lập nên nhà nước Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc). Khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào năm 1950, quân đội Hoa Kỳ đã được gửi đến để giúp đỡ nhà nước Hàn Quốc non trẻ chống lại các cuộc tấn công từ phía Bắc Triều Tiên. Sự tham chiến của Hoa Kỳ đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn thất bại gần như chắc chắn của Hàn Quốc trước quân đội Bắc Triều Tiên. Sau Chiến tranh, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì một số lượng rất lớn các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2009 tại Luân Đôn, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng: Hàn Quốc – là "một trong những đồng minh thân cận nhất và cũng là một trong những người bạn tuyệt vời nhất của Hoa Kỳ"[80]. Hàn Quốc hiện là một trong những đồng minh không thuộc khối NATO của Hoa Kỳ cùng với các quốc gia: Argentina, Australia, Bahrain, Israel, Nhật Bản, Jordan, Kuwait, Maroc, New Zealand, Philippines, và Thái Lan.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hàn Quốc http://www.globalresearch.ca/south-koreas-armed-fo... http://www.rom.on.ca/news/releases/public.php?medi... http://chr.sagepub.com.ezproxy.library.ubc.ca/cont... http://www.chinadaily.com.cn/english/doc/2004-11/2... http://mistletoe.co/index.html http://www.allacademic.com/meta/p_mla_apa_research... http://www.ameinfo.com/66004.html http://www.brecorder.com/world/global-business-a-e... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/322280/S... http://english.chosun.com/site/data/html_dir/2010/...